Cho em hỏi xăng pha cồn dùng có tiết kiệm xăng không? Và nếu dùng thì sau 1 thời gian xe có sao không? | Vatgia Hỏi & Đáp

desight
desight

Trả lời 13 năm trước

[b]Xăng – dầu pha cồn là gì?[/b]

Xăng – dầu pha cồn là một loại sản phẩm hỗn hợp được pha trộn từ xăng – dầu có nguồn gốc từ dầu mỏ (hiện ta đang sử dụng trên thị trường) được pha với cồn (ethanol) có nguồn gốc từ các sản phẩm nông nghiệp như mía đường, ngô, khoai, sắn… Chính vì vậy, các sản phẩm này thường được gọi sản phẩm sinh học (xăng sinh học, dầu sinh học), mặc dù gọi như vậy là chưa thật chuẩn xác.

[b]Tạm hãy nói riêng về xăng pha cồn.[/b]

Thực ra, ý tưởng sử dụng cồn để thay thế cho nhiên liệu có nguồn gốc từ dầu mỏ đã có từ khá lâu. Ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước, cồn đã được nghiên cứu để làm nhiên liệu cho động cơ ô tô, xe máy. Điển hình cho hướng đi tiên phong này là Braxin và Mỹ. Tuy nhiên, khi công nghệ hóa dầu ra đời, những sản phẩm xăng dầu có chất lượng cao đã nhanh chóng đẩy lùi ý tưởng sử dụng cồn làm nhiên liệu cho động cơ ô tô, xe máy. Song, đến những năm 70 của thế kỷ 20, khi thế giới bắt đầu có sự khủng hoảng dầu mỏ thì cồn và nhiên liệu sinh học mới thực sự được khởi động trở lại và đến những năm đầu của thế kỷ 21 đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong những định hướng chiến lược nghiên cứu về năng lượng của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới mà điển hình là Mỹ, Tây Âu (Đức, Pháp, Nauy, Thụy Điển…), Nhật, Thái Lan, Trung Quốc… Có thể điểm qua quá trình nghiên cứu ở một vài nước như sau:

Braxin năm 1931 đã tiến hành pha chế ethanol với xăng. Tới năm 1975, khi giá dầu thế giới tăng cao, thì đã phát động thành chương trình lớn và Brazil là nước đi đầu với chương trình quốc gia này, sử dụng ethanol để pha vào xăng với tỷ lệ đến 20%, dùng trong vận tải. Ở Brazil, khoảng 3/4 số xe bắt buộc phải dùng gasohol nếu người sử dụng xe không muốn dùng 100% ethanol.

Tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ 25% năng lượng trên thế giới/năm (trong khi chỉ có 6% trữ lượng dầu mỏ), hơn 60% dầu mỏ phải nhập từ bên ngoài để đảm bảo an ninh năng lượng, một mặt phải tranh giành quyền kiểm soát các khu vực dầu mỏ lớn trên thế giới; mặt khác Mỹ phải đầu tư lớn từ ngân sách để nghiên cứu các dạng nhiên liệu thay thế.

Từ năm 1976, sau đợt khủng hoảng năng lượng năm 1973, Mỹ bắt đầu thử nghiệm xăng sinh học. Từ 1978, Quốc hội Mỹ đã công nhận những lợi ích của ethanol trong nhiên liệu và dùng biện pháp giảm thuế đối với xăng pha ethanol để khuyến khích phát triển thị trường nhiên liệu này. Năm 1998, Tổng thống Mỹ B.Clinton đã ký sắc lệnh 13101 về sử dụng sản phẩm sinh học thay thế một phần dầu mỏ và Quốc hội Mỹ đã theo đuổi chính sách công khai nhằm tạo lập ngành công nghiệp ethanol ở cấp nhiên liệu và ban hành luật miễn thuế môn bài nhằm khuyến khích sản xuất ethanol từ nguồn tái sinh. Nhờ đó, năm 2004, Mỹ đã sản xuất trên 13 triệu m3 cồn để sản xuất xăng sinh học.

Hiện nay, tại Mỹ, luật pháp của nhiều bang bắt buộc phải sử dụng xăng pha cồn (loại E10-tức là 10% cồn) và với 10% cồn được pha vào xăng, mỗi năm Mỹ tiết kiệm rất nhiều ngoại tệ để nhập khẩu dầu. Năm 2025, với việc sử dụng xăng E10, nước Mỹ đã tiết kiệm được 33,5 tỉ thùng dầu thô nhập khẩu, tương đương với việc giảm chi phí nhập khẩu xăng lên tới 100 triệu đôla/ngày.

Tại Trung Quốc, quốc gia sản xuất và sử dụng cồn nhiên liệu lớn thứ 3 thế giới (sau Braxin và Mỹ), năm 2004, đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất cồn lớn nhất thế giới công suất 600.000 tấn/năm tại Cát Lâm (mỗi năm tiêu thụ 1,9 triệu tấn ngô làm nguyên liệu), tăng sản lượng cồn ethanol cả nước trên 3,5 triệu m3. Từ tháng 6.2004, Trung Quốc đã quyết định sử dụng xăng pha 10% cồn (xăng E10) ở 5 thành phố và đến cuối năm 2006 sẽ tăng thêm 27 thành phố đông dân khác. Với chương trình phát triển xăng sinh học, trong kế hoạch 5 năm lần thứ 10 (2005-2010), Trung Quốc sẽ sản xuất 1,02 triệu tấn ethanol mỗi năm.

Tại Thái Lan, năm 1985, nhà vua đã khởi xướng dự án hoàng gia về nhiên liệu sinh học. Ủy ban quốc gia về ethanol (NEC) được thành lập để chỉ đạo các cơ quan khoa học, trường đại học và các doanh nghiệp tham gia chương trình nghiên cứu thử nghiệm xăng pha cồn và diesel sinh học. Đến năm 2004, nước này đã sản xuất trên 280.000 m3 cồn và đầu tư thêm 20 nhà máy để đến năm 2015 có trên 2,5 triệu m3 cồn dùng làm nhiên liệu.

Tại Ấn Độ, xăng pha 5% cồn đã được sử dụng ở 9 bang và 4 tiểu vùng từ ngày 1/1/2003. Giai đoạn 2, giai đoạn 3 sẽ tăng 10% cồn pha trong xăng. Trong báo cáo năm 2003, Ủy ban phát triển nhiên liệu sinh học cho rằng, khả năng sản xuất được 29 triệu lít cồn ethanol của Ấn Độ đủ để tạo ra hỗn hợp nhiên liệu với 5% cồn cho tới kế hoạch lần thứ 12…

Tại Châu Âu, các chính phủ khuyến khích pha cồn vào xăng dầu theo tỷ lệ từ 7% đến 10%. Xăng có pha 7% hay 10% cồn tinh khiết (độ cồn 99,5%) được gọi là gasohol E7 hay E10. Ngành công nghiệp dầu khí chỉ được bán các loại nhiên liệu (xăng hoặc diezen) pha cồn với tỷ lệ tối thiểu 5%. Một vài mẫu xe như Saab 9-5 hay Ford Focus sẽ sử dụng loại xăng E85, (chứa 85% cồn và 15% xăng)…

[b]Xăng pha cồn có những qui định như thế nào ?[/b]

Thực ra, cồn cũng là hợp chất cacbuahydro như dầu mỏ nên có khả năng cháy nổ tốt; Vì vậy, về nguyên tắc, với 100% cồn khan (cồn 99,5% trở lên) là có thể cho vào động cơ và chạy được. Tuy nhiên, do nhiều đặc tính của cồn có thể gây ra ăn mòn kim loại hoặc làm hư hại các chi tiết cao su, nhựa có trong động cơ xe máy nên không thể dùng thẳng cồn để thay cho xăng dầu được. Muốn sử dụng loại nhiên liệu có hàm lượng cồn cao như nhiên liệu E85 của Mỹ (85% cồn) thì động cơ xe máy phải được sản xuất riêng như mẫu xe Saab 9-5 hoặc Ford Focus nói trên ở Châu Âu.

Đối với các loại động cơ ô tô, xe máy thông dụng chỉ được phép sử dụng xăng pha cồn với hàm lượng cồn tối đa là 10% (xăng E10). Xăng E10, hoàn toàn đáp ứng mọi hoạt động bình thường cho ô tô xe máy (không gây ăn mòn hay hỏng hóc cho động cơ hoặc bình chứa nhiên liệu…). Chính vì vậy, ngày nay, nói đến xăng pha cồn là nói đến xăng E10. Cồn để pha vào xăng ngày nay cũng đã được tiêu chuẩn hóa theo tiêu chuẩn ASTM hoặc tiêu chuẩn quốc gia các nước và về cơ bản vẫn phải tuân theo các chỉ tiêu cụ thể như sau :

Ethanol, %TT, min 92,1

Methanol, % TT, max 0,5

Nhựa tan trong dung môi, mg/100 mL, max 5,0

Hàm lượng nước, % TT, max 1

Hàm lượng các chất làm biến tính, % TT, min-max: 1,96 -4,76

Hàm lượng các chloride vô cơ, ppm, max 40

Hàm lượng đồng, mg/kg, max 0,1

Độ a xit, % KL, max 0,007

Độ pHe 6,5-9,0

Hàm lưu huỳnh, ppm, max 30

Nhìn bề ngoài trong và sáng (không có các chất lơ lửng)…

Đánh giá một số thành tựu nghiên cứu về xăng pha cồn tại Việt Nam hiện nay cho thấy:

– Do phải sử dụng cồn nguyên chất (hay còn gọi là cồn khan) để pha được vào xăng (tan hoàn toàn, không phân lớp) nên các đề tài đa phần tập trung vào việc nghiên cứu công nghệ sản xuất cồn khan (như Viện hóa công nghiệp, các trường đại học..) và đã có những thành công nhất định.

– Cũng do Việt Nam chưa sản xuất được cồn khan trên qui mô công nghiệp, hoặc sau này có sản xuất được thì giá thành cồn khan cũng rất cao nên một hướng nghiên cứu cũng đã được các nhà khoa học Việt Nam hướng tới như nghiên cứu phụ gia để tăng khả năng hòa tan cho cồn công nghiệp (cồn thông dụng có hàm lượng từ 94 đến 96%) vào trong xăng mà kết quả của kỹ sư Lê Ngọc Khánh là một ví dụ. Giá trị của đề tài nghiên cứu mà ông Lê Ngọc Khánh đạt được chính là đã tạo ra được một phụ gia như vậy. Nhưng cần nhớ rằng, nhiên liệu để sử dụng cho các loại động cơ thông dụng không cho phép có hàm lượng cồn vượt quá 10%. Như vậy, nếu tính theo tiêu chí này thì không thể có sản phẩm xăng giá rẻ phục vụ được cho mọi loại động cơ hiện hành. Dĩ nhiên, nhiên liệu 50/50 của ông Khánh là chạy được cho ô tô xe máy, nhưng chắc chắn, nếu chỉ dùng loại nhiên liệu này thì sau 1 đến 2 năm động cơ xe máy của bạn sẽ gặp phải nhiều vấn đề, nếu không nói là sẽ bị hư hỏng nặng.

Rõ ràng, để sản xuất xăng pha cồn phải có cồn khan và để loại trừ nước ra khỏi cồn công nghiệp, phục vụ cho xăng pha cồn thực ra còn nhiều giải pháp kỹ thuật khác nhau và tôi biết hiện nay có nhiều tổ chức và cá nhân ở Việt Nam đang theo đuổi và nghiên cứu. Hy vọng trong thời gian không xa sẽ cho kết quả tốt đẹp.

Cũng cần lưu ý rằng, xăng pha cồn là một hỗn hợp rất háo nước, vì vậy, sản xuất thành công xăng pha cồn trong phòng thí nghiệm thì cũng chỉ mới đi được một nửa chặng đường mà thôi. Còn rất nhiều việc phải tính tới như tổ chức tồn chứa và cung ứng ra sao khi mà khí hậu Việt Nam thuộc loại có độ ẩm cao nhất thế giới; Các bể chứa ngầm tại các cửa hàng bán lẻ có rất nhiều bùn đất, hấp hơi và độ ẩm cũng rất cao… Tất cả những vấn đề nói trên nếu chưa được nghiên cứu và tính tới thì chưa thể nói Việt Nam đã sẵn sàng cung cấp sản phẩm xăng pha cồn cho thị trường.

SHARE
+ Background: IT Engineer
+ Past: Pro. Internet Marketer | Brand Incident Risk Manager | Founder
+ Present: Invester & Trader