Gần 5 triệu người Việt bị đái tháo đường (còn gọi tiểu đường) nhưng chỉ khoảng 35% được chẩn đoán, còn lại không biết mình mắc bệnh.
Đó là thông tin do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết vào ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11. “Chỉ có 23% đang điều trị tại các cơ sở y tế. Dự báo số người mắc đái tháo đường ở Việt Nam tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới”, bà Hương cho biết thêm.
Thực tế, năm 2019, Bộ Y tế công bố số liệu 3,5 triệu người Việt bị đái tháo đường, dự báo tăng gần gấp đôi vào năm 2045. Trong số 3,5 triệu này, khoảng 69% người bị tăng đường huyết chưa được phát hiện và 29% người bệnh đang điều trị.
Như vậy, trong ba năm qua, số người mắc đái tháo đường đã thêm gần 1,5 triệu, tức tăng gần 43%.
Theo Thứ trưởng Hương, số bệnh nhân đái tháo đường Việt Nam tăng tương đồng xu hướng toàn thế giới hiện nay. Đây là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF) năm 2021 công bố toàn cầu có 53 triệu người mắc bệnh này, tỷ lệ cứ 10 người độ tuổi 20-79 thì có một người mắc. Trong số này, 50% số người trưởng thành bị đái tháo đường mà không được chẩn đoán.
PGS.TS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết Đái tháo đường Việt Nam, nói rằng mối nguy hiểm ở bệnh đái tháo đường là biến chứng. Bệnh này là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết quốc gia, nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, bệnh tim mạch, suy thận và viêm loét chân phải cắt cụt. Ở Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy hơn 55% bệnh nhân tiểu đường có biến chứng, trong đó 34% bị biến chứng tim mạch, 39% biến chứng về mắt và thần kinh, 24% biến chứng về thận.
Gần 63% người bệnh nhưng chưa được chẩn đoán, được các chuyên gia cho là gây khó khăn cho chiến lược kiểm soát bệnh đái tháo đường ở Việt Nam. Bệnh là gánh nặng cho toàn xã hội, kéo theo nhiều rủi ro cho nền kinh tế, hệ thống y tế và bệnh nhân cùng gia đình của họ.
Nguyên nhân gây đái tháo đường rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và thiếu hoạt động thể lực, theo TS.BS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương.”Chẩn đoán và điều trị sớm đái tháo đường sẽ giúp phòng ngừa hoặc làm chậm các biến chứng nguy hiểm, TS Dương nói.
Đái tháo đường type 1 xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu ở người trẻ, thanh thiếu niên. Dấu hiệu điển hình là đói và mệt, đi tiểu thường xuyên và khát hơn, khô miệng, ngứa da, sút cân nhiều, thị lực giảm.
Khác với triệu chứng rầm rộ, diễn biến nhanh của type 1, bệnh nhân đái tháo đường type 2 diễn biến rất âm thầm, thậm chí không có triệu chứng. Bệnh nhân thường là người trưởng thành, dấu hiệu như nhiễm trùng, vết loét hoặc vết thương chậm lành.
Các chuyên gia cho rằng để kiểm soát đường huyết, người bệnh cần có chế độ ăn lành mạnh, đúng giờ, kết hợp tập luyện; không hút thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích. Bệnh nhân dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ, không tự ý dùng hoặc chung đơn thuốc với người khác. Những người có yếu tố nguy cơ cần khám và xét nghiệm đường huyết ít nhất một lần/năm.
Ngày Đái tháo đường Thế giới năm 2021-2023 tập trung chủ đề Tiếp cận chăm sóc bệnh đái tháo đường. Bệnh viện Nội tiết Trung ương phối hợp Bệnh viện Nội tiết tỉnh Thanh Hóa khám sàng lọc đái tháo đường miễn phí cho gần 1.000 người, nâng cao nhận thức phòng chống bệnh và sử dụng muối i-ốt.
Nguồn: VNE