(Bài viết là chia sẻ cá nhân của tác giả, có sử dụng nhiều từ trong văn nói)
Nhớ hồi 4-5 tuổi, có lần bị táo bón, rặn mãi không ra, má ra chợ mua cho miếng đu đủ, cái cảnh vừa ngồi bô khóc vừa nhai miếng đu đủ chắc cả đời mình chả bao giờ quên. Miếng đu đủ đã hết mà chả thấy cái gì chui ra, đít thì đau rát, khóc mãi. Má mới dùng tuyệt chiêu, lấy cái ống nước bơm thẳng vào hậu môn, ngay lập tức mình chạy ra bô ngồi. Và thiên đường là đây.
Rồi không biết từ khi nào, bỗng dưng ở đâu anh chị em theo cái trend “thụt tháo đại tràng” (ttdt). Nhiều người tin vào những lợi ích mà phương pháp này mang lại: thải độc, giảm cân, đẹp dáng, thậm chí ngừa ung thư. Họ lập luận rằng: đại tràng là nơi chứa phân, là độc, cần thải ra sạch hết thì mới khỏe, sáng nào cũng thải thì chưa đủ, mới cần “thụt tháo” cho sạch sẽ luôn. Và thường thì hiệu quả tức thì là: giảm cân.
Xem nhanh
ĐỘC TRONG ĐẠI TRÀNG TỪ ĐÂU RA?
Theo đường đi của hệ tiêu hóa, khi chúng ta cho cái gì vào miệng, nhai cùng nước bọt, lọt xuống dạ dày. Tại đây dạ dày tiết dịch “xào chẻ” để hình thành ra cái thứ gọi là dịch dưỡng chấp, dịch này sền sệt, có mùi thơm nhè nhẹ, vô khuẩn (vì ngoài đại ca HP ra chả em nào sống nổi). Sau đó tống xuống ruột non (lòng se điếu), tại đây có nhiều mao mạch tiếp nhận dưỡng chất. Từ nãy giờ mọi thứ hoàn toàn sạch, chả có độc nào ở đây cả, nên ko cần thụt tháo dạ dày với ruột non nha.
Mớ dịch này bắt đầu xuống đại tràng, chứa nhiều phân tử thức ăn chưa hấp thụ hết, bên cạnh đó còn muối và vitamin. Nếu để như vậy mà ra ngoài luôn thì là … tiêu chảy (Ai không chịu thì để hôm nào bị tiêu chảy rồi cúi xuống xem). Cơ thể sẽ mất nước và muối khoáng, đó là lý do người ta khuyên bị tiêu chảy nên uống bù nước, điện giải ion con mợ gì đó, thực ra cũng là muối với đường là chính. Để thu hồi vốn, đại tràng phụ trách hút lại nước và khoáng chất, khi đó cái chất sền sệt kia sẽ trở nên khô lại, thành cục, chúng mình gọi là cục cớt, rồi cho ra ngoài … tõm.
Như vậy, nếu ko có đại tràng thì chúng ta sẽ chết khô vì mất nước. Vậy cái độc từ đâu ra? Là mấy ông nội vi khuẩn sống trong đại tràng chứ đâu, mấy ổng cũng ăn và cũng ị. Rảnh rỗi thì tụi nó tổng hợp Vitamin K, nhóm B. Dĩ nhiên, có ăn, có làm, cũng có đi báo. Mấy ông nội này phân giải đạm và sinh ra 1 mớ chất như amoniac, indol, scatol, mercaptan, sulfua hydro … bọn này là độc thần kinh, gây mùi bịt mũi. Các chất độc này ngấm vào máu và quay về gan để gan xử lý. Nếu gan đang suy, chất này ko được khử, dội lên thần kinh và hôn mê. Nên ai bị xơ gan giai đoạn chót, bác sĩ cho uống nhuận tràng để đẩy ra liên tục, giảm bớt độc tố cũng như gánh nặng cho gan. Cho nên cố mà giữ lá gan cho khỏe mạnh (mình sẽ biên 1 bài hấp dẫn khác về gan).
VẬY THỤT THÁO ĐẠI TRÀNG CÓ THẢI ĐỘC KHÔNG?
Có chứ, ra ào ào mà bảo không sao được. Nhưng như ở trên đã kể, chúng mình ngày đớp 3 bữa chưa kể ăn xế thì độc sinh ra mỗi ngày. Nên mỗi tuần thụt 1 lần cũng chả ý nghĩa gì. Ttđt vốn là 1 giải pháp tình thế, dùng cho người bị táo bón đã lâu, mất khả năng đi ị, hoặc rửa sạch để nội soi.
Ngày xửa ngày xưa, ông trời tạo ra cái đại tràng, giao nó nhiệm vụ tống ra những gì bên trong nó bằng nhu động, sau đó gởi đi phục vụ con người. Giờ con người cho chất lỏng chảy vào ngược hướng với nhu động vốn có tự nhiên. Đại tràng dần dần trở nên lười biếng, nó đi ngủ cho lành. Quen thụt mỗi ngày, sau này muốn đại tràng làm việc thì nó cũng lờ đờ luôn. Rồi đi đâu cũng ôm theo cái túi và ống thụt.
Cơ thể người đã trải qua hơn 2 triệu năm tiến hóa, mọi thứ đều rất hoàn hảo, nên cái gì tồn tại cũng có ý nghĩa riêng của nó. Nó vốn chỉ hoạt động 1 chiều “ra”, giờ bắt nó nuốt “vào”. “Có phải anh đang trêu đùa em đấy không?” – Đại tràng hát. Nếu bạn là người sống thuận tự nhiên, thì xin hỏi ở ngoài kia có cái giống loài nào đi thụt tháo đại tràng không?
PHONG TRÀO THỤT THÁO ĐẠI TRÀNG BẰNG CAFE
Con người đúng là sáng tạo đỉnh cao, ban đầu thụt bằng nước muối, giờ phát minh ra đủ loại dung dịch thụt. Nào là nước chanh, nước gừng, thậm chí bằng cả nước tiểu (cá nhân mình ko nghĩ 1 cái thứ mà cơ thể muốn tống ra ngoài mà người ta thì cho nạp vào), ko biết còn có xốt thái với phô-mai trứng muối không chứ tui nghi lắm à. Trong đó đáng kể là “Cafe”, đang có đông đảo người áp dụng.
Cafe – là chất nghiện, nó gắt, tính axit cao (độ pH từ 4.8 đến 5), gây mất nước, và kích thích. Rõ ràng, nếu nó vô hại thì mỗi ngày nốc thử 2 lít cafe tui xem. Khi cho vào miệng, xuống dạ dày, tại đây dạ dày trung hòa nó, đảm bảo những gì qua tay anh đều phải vô hại, anh là bức tường phòng thủ đầu tiên bảo vệ lũ đàn em thân yêu: gan, tụy, ruột. Nhưng hỡi ơi, cafe nó ko vào cửa trước mà nó đi cửa hậu. Dạ dày phòng thủ phía trước đâu hay biết gì. Xin nhắc lại, cafe có tính axit cao và cả tác động thần kinh. Khi đó trung tâm điều khiển của bộ đồ lòng là gan nhận biết và hét lên “có trộm đột nhập bây ơi”, alo cho tuyến thượng thận lập tức sinh ra Adrenalin tác động toàn bộ chuẩn bị chiến đấu. Sau đó, gan nhận thấy trong đám xâm nhập này có thằng cafein và nó đang thấm vào máu (vì đại tràng hút vào như đã nói ở trên). Gan ngay lập tức xả đàn em vào máu chạy khắp nơi để bắt nhốt thằng cafein vào gan giam lại.
Kết quả sau đợt thụt cafe thì đại tràng có sạch được chút, riêng lá gan thì nằm ngay đơ vì phải ứng phó với 2 đợt stress nặng: 1 lần vụ Adrenalin và 1 lần nhốt lũ cafein. Mà đã xong đâu, còn phải dọn dẹp chiến trường, là cái đám Adrenalin và chờ dịp ân xá cho lũ cafein.
Vậy được gì và mất gì, là do bạn chọn